Thử một lối đi khác, màu trời ắt khác
Mình là Nguyễn Thị Ngọc Ánh, hiện là học sinh lớp 11a5, trường THPT Đan Phượng năm học 2020 - 2021. Bản thân đã từng là học sinh cá biệt, trốn học trở thành thủ khoa. Sự khác biệt đó là cả một quá trình dài tìm hiểu rồi áp dụng, rồi thất bại, rồi tự thiết kế những phương pháp học tập riêng. Thành tích học tập của mình cũng không có gì đáng khen cả chỉ là mình thấy bản thân không phải dành quá nhiều thời gian, hay quá áp lực để học nên hôm nay mình xin chia sẻ một số phương pháp học tập được rút ra qua quá trình thử nghiệm trên chú chuột bạch là chính bản thân mình.
1. Phương pháp "tập trung"
Mình thử phương pháp này lần đầu tiên và cũng là cuối cùng vào năm lớp 2. Lúc ấy mọi sự tập trung của mình đều là học và học, không giao tiếp với mọi người xung quanh, không trò chuyện. Thậm chí khi ra chơi, mình sẽ ngồi yên lặng, không nói, không làm gì nhưng bên trong thực ra lại đang nghĩ rất nhiều thứ. Điều đó khiến mẹ và cô giáo lo sợ rằng mình bị tự kỉ. Cũng may là cuộc thử nghiệm chỉ diễn ra trong một năm, nhưng cũng gây ra hệ lụy sau này khiến EQ của mình rất thấp khi giao tiếp với người lạ, không bắt kịp tần số của họ luôn. Và kết quả của phương pháp là mình đạt được kết quả rất cao trong môn Toán đặc biệt là tư duy về quy luật dãy số còn Văn thì ...lờ ung lung hỏi lủng cờ ung cung hỏi củng lắm, ạp ạp.
2. Phương pháp học thuộc bằng nhịp điệu
Trước đây phương pháp duy nhất của mình để học thuộc là học chay, cứ đọc đi đọc lại đến khi nào thuộc thì thôi. Cái này cũng không khác học vẹt lắm vì khi mà kì thi kết thúc thì như Thanos ý, búng tay phát là quên sạch. Nên mình bắt đầu tìm hiểu và áp dụng các phương pháp của Adam Khoo về hệ thống hóa kiến thức, thời gian ôn tập hay kĩ thuật trí nhớ siêu đẳng qua con số. Có những thứ mình có thể áp dụng được như là gắn các câu chuyện phi lí tự nghĩ vào sự kiện lịch sử, tuy nhiên những kiến thức khác mình không áp dụng được hoặc là cảm thấy không hiệu quả. Thế là mình tự thiết kế cho mình phương pháp học thuộc bằng nhịp điệu. Rõ ràng là chúng ta có thể học thuộc một bài hát nhanh hơn nhiều so với một bài thơ. Và giác ngộ được lí tưởng đó xong thì mình bắt đầu phổ nhạc cho vở ghi Sinh, Sử, Địa,... của mình. Những bài nhạc đó thì rất khó để quên, dẫn chứng là đến tận bây giờ mình vẫn nhớ từng chữ bài Nhớ rừng (Thế Lữ) của Ngữ Văn 8, tuyệt nhiên không có sự ôn tập lại suốt 3 năm qua. Đợt thi giữa kì, mình vốn viết Văn kém lắm mà hôm ôn thi tự dưng nổi hứng viết nhạc cho bài Tràng giang (kết hợp với phương pháp thứ 3 nêu ở dưới) và may mắn nữa nên đạt được 9,25 không ngờ luôn, ạp ạp. Trình mình vẫn "non" nên không phải bài nào cũng nhạc được mà còn phải có cảm xúc kiểu đêm khuya thanh vắng, deadline bầu bạn, vở em vẫn trắng, ngày mai là hạn ấy, ạp ạp.
3. Phương pháp "Vẽ đường cho hươu chạy"
Đây cũng là một phương pháp để học thuộc. Khi mình bỏ thói học vẹt và bắt đầu học hiểu thì cái khó nhất là liên kết các kiến thức lại với nhau. Kiểu như mình vẫn hiểu ý đó và những ý sau đó nhưng nêu ý đó xong không nhớ ý sau là gì, không nhớ được trật tự giữa các ý. Và mình nghĩ ra cái phương pháp trên, vẽ hình trừu tượng lại các ý đó bằng kí hiệu đơn giản, đôi khi cả bài đó thành hình con vịt hay tranh sông nước và khi muốn nhớ lại thì vẽ con vịt ra, các nét vẽ đi theo trình tự các ý, chính là chúng ta đang vẽ đường cho não bộ của mình chạy đó, ạp ạp.
4. Chọn giờ "hoàng đạo" để học
Không nên thức quá khuya, càng không nên thức đến sáng, mỗi người có đồng hồ sinh học riêng và có những lúc trong ngày là lúc tỉnh táo nhất, dễ vào đầu nhất. Có những hôm các bạn thấy mình thức khuya đến 1h sáng mà thực ra là mình đã ngủ từ 8h đến 11h rồi --> để đánh lừa bộ não mình rằng đã bắt đầu một ngày mới, thăm ngàn kẹp ngần, thăm ngàn kẹp ngần đi thôi. Nhưng mà đó là do giấc ngủ kéo đến đòi hôn mắt nồng mình thôi, chúng ta vẫn nên học sớm và sau đó đi ngủ sớm để có một giấc ngủ liên tục và đủ giấc nhá, ạp ạp.
Cám ơn vì đã đọc tới đây, mình không hẳn là một người xuất sắc, những phương pháp mình viết ra ở trên không hẳn là hay, mình chỉ muốn chia sẻ và đưa ra một vài phương pháp mà cá nhân mình thấy nó thú vị. Tuy nhiên thì mỗi người đều có khả năng và thế mạnh riêng, vì thế hãy tự thiết kế cho mình những phương pháp phù hợp nhất nhé.
Thành tích mình đã đạt được ở trường THPT Đan Phượng:
* Học tập:
- Thủ khoa đầu vào k58.
- Giải Ba thi HSG Toán cấp trường.
- Giải Ba vượt cấp thi chọn đội tuyển Toán.
- Giải Nhì vượt cấp HSG Địa Lí cấp trường.
- Giải Ba vượt cấp thi chọn đội tuyển Địa Lí.
- Giải KK vượt cấp HSG Tin Học cấp trường.
- Giải Nhất thi HSG Toán cấp trường.
- Hai lần đạt điểm thi tập trung cuối kì cao nhất khối và nhất trường.
- Giải Nhất Ngoại khóa tổ Địa Lí - Tiếng Anh.
- Đạt Successful participation có special honour trong kì thi International Youth Math Challenge.
- Đạt Successful participation có special honour trong kì thi International Astronomy and Astrophysics Competition.
- Tham gia thi Tin học trẻ.
*Hoạt động ngoại khóa:
- Trưởng ban Tài chính - Nhân sự CLB Sách và Hành Động.
- Thành viên ban Tài chính của QTL Organization.
- Tham gia chiến dịch truyền thông "Trash card" dự thi “Future Blue Innovations”.
- Đạt giấy khen Cán bộ Đoàn tiêu biểu.
Chúc các bạn học sinh trường THPT Đan Phượng gặt hái thật nhiều thành công trong mọi lĩnh vực!