Chào các bạn, tôi là Quách Duy Nam, học sinh lớp 10A12 trường THPT Đan Phượng năm học 2020 - 2021. Vốn là một cậu học sinh mang đam mê với những trang sách Tiếng Anh, tôi đã đạt được một số thành tích đáng kể ở môn học này, trong suốt chặng đường học tập của mình. Tiêu biểu trong số đó là giải Nhất Học sinh giỏi Tiếng Anh cấp huyện, giải Ba Học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp Thành phố lớp 9, và gần đây nhất là giải Nhất Học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp trường khối 10 và khối 11. Để có được thành công ấy, ngoài sự nỗ lực, cố gắng trong học tập, thì chúng ta cần có những gì?
Tiếng Anh là một ngôn ngữ của toàn cầu, là một môn học có mặt trong nhiều khối thi hot, như khối D00, A01 và D07. Được đánh giá là khó nhằn và kén người học, Tiếng Anh đã trở thành một “nỗi ám ảnh” đối với rất nhiều thế hệ học sinh Việt Nam nói chung và Đan Phượng nói riêng. Nhưng tôi xin được khẳng định rằng, "Tiếng Anh không khó, miễn rằng chúng ta có được một mục tiêu và phương pháp học đúng đắn". Vì vậy, sau đây tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong suốt quá trình học Tiếng Anh của mình để một phần giúp các bạn có được một lộ trình học thích hợp cho bản thân mình.
I. Tại sao phải học Tiếng Anh?
Mỗi khi bắt đầu làm một việc gì, trước tiên ta cần xác định được mục đích của nó. Một mục tiêu rõ ràng và tình yêu đối với môn học sẽ giúp chúng ta có thêm niềm vui và động lực trên con đường chinh phục môn Tiếng Anh đấy!
Mỗi người có thể có những lý do học Tiếng Anh riêng như:
- Để nghe nhạc và xem phim bằng Tiếng Anh không cần phụ đề.
- Để đạt điểm cao trong các kì thi quan trọng.
- Để rèn luyện tư duy ngôn ngữ của bản thân.
- Để lấy các chứng chỉ Tiếng Anh.
- Để tìm kiếm học bổng du học nước ngoài.
- Để có cơ hội việc làm tốt hơn ở mọi lĩnh vực trong tương lai.
- Hay để có thể tiếp cận với nền tri thức nhân loại một cách chủ động và tích cực?
Nhưng quan trọng nhất, ta cần phải hiểu rằng, học Tiếng Anh là để cho chính bản thân mình. Khi tiếng Anh ngày càng trở thành một "tấm hộ chiếu" trong giao lưu quốc tế, hẳn rằng nó có thể bổ trợ cho bạn rất nhiều trong cuộc sống sau này. Do vậy mỗi khi thấy nản chí, hãy ngẫm lại về động lực ban đầu của mình. Dành thời gian suy nghĩ xem mình đã đi đến đâu trên con đường chinh phục mục tiêu đó, để có thêm quyết tâm chinh phục mục tiêu của mình.
Vậy, bạn học Tiếng Anh để làm gì?
II. Học Tiếng Anh như thế nào?
Đây là một câu hỏi mà rất nhiều người học Tiếng Anh còn đang trăn trở. Trên thực tế, mỗi người nên có một cách học của riêng mình, chứ không thể mượn nguyên si cách học của bất cứ ai được. Tuy nhiên tôi xin được khái quát một số kinh nghiệm học Tiếng Anh cơ bản nhất, để trên cơ sở đó các bạn có thể tự xây dựng phương pháp học hiệu quả và phù hợp nhất với bản thân mình.
1. Nghe và Nói
Có thể các bạn sẽ ngạc nhiên rằng tại sao tôi lại đưa 2 kĩ năng này lên đầu. Bởi vì việc học Tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng nhất nếu bạn bắt đầu bằng Nghe và Nói, như cách mà người bản xứ học ngôn ngữ của họ. Thử rèn thói quen nghe nhạc tiếng Anh, nghe các podcast, xem phim và talkshow có phụ đề tiếng Anh. Hãy chọn các chủ đề mà bạn yêu thích, và bắt đầu với độ khó vừa phải. Ngoài có tác dụng giải trí, thì chúng đều giúp ích nhiều cho phản xạ tiếng Anh, một điều mà mọi người học đều chú tâm xây dựng. Tiếp đó hãy tua chậm, và thử nhắc lại từng câu thoại với giọng điệu và độ chuẩn xác cao nhất có thể. Đây là một cách tốt để định hình phát âm chuẩn cho kĩ năng Nói của bạn. Bạn cần đều đặn thực hành thói quen này ít nhất 30 phút mỗi ngày để có được hiệu quả như mong đợi.
Ở trình độ nâng cao hơn, đây là lúc những giáo trình Nghe - Nói phát huy tác dụng. Kết hợp hiệu quả việc nghe nói trong thực tế và việc sử dụng tài liệu là chìa khoá để chinh phục hai kĩ năng này. Mỗi khi có thời gian, hãy tự tìm những chủ đề trong cuộc sống để nói về nó bằng tiếng Anh. Dù là tự nói với bản thân thì ta cũng có thể luyện tập tư duy ngôn ngữ, và dần học được cách suy nghĩ trong tiếng Anh. Nếu có điều kiện, cố gắng tìm cho mình cơ hội được giao tiếp trong thực tế, có thể là với người bản ngữ hay những người cùng học khác. Đây là cơ hội tốt để bạn luyện tập những gì mình đã học được.
2. Đọc và Viết
So với hai kĩ năng ở trên, thì Đọc và Viết mang tính học thuật cao hơn. Điều đó có nghĩa rằng, ta cần tiếp cận chúng một cách bài bản và cụ thể. Những giáo trình uy tín sẽ là công cụ hiệu quả để bổ sung những kiến thức nền tảng cho việc Đọc - Viết được hiệu quả hơn. Chẳng hạn, kĩ năng skimming and scanning là rất cần thiết khi bắt tay vào làm mỗi bài đọc; hay việc xây dựng một số template cụ thể cho các dạng bài luận sẽ giúp văn phong của ta trở nên mạch lạc và chặt chẽ hơn. Với rất nhiều dạng bài Đọc và Viết khác nhau, thì tôi có lời khuyên rằng nên học phối hợp giữa các dạng đó để tránh gây nhàm chán, và nâng cao kĩ năng xử lí bài tập.
Bên cạnh đó, tôi có một thói quen cập nhật thông tin từ một số tờ báo bằng tiếng Anh. Vô vàn chủ đề khác nhau hẳn sẽ khiến bạn hứng thú hơn với việc đọc, cũng như cung cấp thêm rất nhiều kiến thức thực tế sẽ hỗ trợ tốt cho bạn trong những bài Đọc - Viết khó nhằn. Các tác phẩm văn học nước ngoài cũng có tác dụng tương tự, nhưng lại đòi hỏi trình độ tương đối cao. Hay đơn giản hơn, tham khảo bài viết mẫu của những người giỏi viết luận cũng là một cách hay để học hỏi lối hành văn đấy!
3. Từ vựng và ngữ pháp
Sở dĩ chúng được tôi nhắc đến cuối cùng, là bởi từ vựng và ngữ pháp lại hoàn toàn có thể được trau dồi thông qua việc Nghe - Nói - Đọc - Viết! Hẳn là vậy, việc học lý thuyết thông qua thực tế và bài tập chắc chắn sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc học vẹt rồi. Qua ngữ cảnh của các bài đọc, bạn có thể hiểu sâu hơn về ý nghĩa và cách sử dụng của từ vựng. Rồi khi được nghe và tự sử dụng các từ ấy trong câu, các âm tiết và trọng âm sẽ tự động trở nên thân thuộc với bạn. Ngữ pháp cũng như thế, về cơ bản nó chỉ là một cách tương đối để ghi lại các hiện tượng ngôn ngữ trong cuộc sống. Cho nên mỗi khi đau đầu về một chủ đề lý thuyết nào đó, hãy thử đặt các ví dụ thực tế có áp dụng luôn các cấu trúc đó. Ghi nhớ từ vựng và ngữ pháp theo cách này sẽ giúp bạn không hề bị bỡ ngỡ mỗi khi gặp lại chúng nữa.
Còn nếu bạn muốn học gấp để ôn thi ư? Một số “mẹo” ghi nhớ có thể sẽ hỗ trợ cho bạn.
- Sổ từ: Ghi chú từ vựng học được vào một quyển số và xem lại mỗi ngày.
- Flashcard: Những tờ giấy nhỏ ghi từ vựng, cách phát âm, ý nghĩa và ví dụ ở cả 2 mặt
- Ứng dụng học Tiếng Anh: Có nhiều ứng dụng trên điện thoại hỗ trợ các bạn ghi nhớ từ vựng tốt.
Lưu ý rằng mỗi người sẽ có một cách học phù hợp, ví dụ như tôi không hợp với phương pháp sử dụng Flashcard, nhưng có thể nó lại hiệu quả với bạn thì sao? Hãy thử nghiệm và nghiên cứu nhé!
III. Tiến xa hơn trong Tiếng Anh
Khi bạn đã có một nền tảng vững chắc ở môn Tiếng Anh, hãy nghĩ xa hơn những con điểm 9, 10 trên lớp. Các kì thi Học sinh giỏi sẽ là điều kiện tốt để các bạn học hỏi, trau dồi kiến thức học thuật của mình. Hãy thử thách bản thân của mình bằng việc đi ôn đội tuyển Học sinh giỏi cùng những người bạn chung chí hướng, rồi bước vào phòng thi để chinh chiến với những đối thủ xa lạ. Đó sẽ là một kỉ niệm khó quên trong quãng đời học sinh của bạn đấy!
Hoặc nếu không thích cạnh tranh, bạn cũng có thể ôn thi các chứng chỉ Tiếng Anh. Một số chứng chỉ uy tín như IELTS, TOEFL, TOEIC, A-B-C… đều chú trọng kiểm tra 4 kĩ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết hơn là tập trung vào lý thuyết như các tiết học trên lớp của bạn. Nổi bật trong số đó là chứng chỉ IELTS, với độ phổ biến và tính ứng dụng cao nhất. Tuy quá trình ôn thi cần nhiều cố gắng và nỗ lực, nhưng thành quả nhận lại sẽ rất xứng đáng. Một tấm bằng IELTS có thời hạn sử dụng là 2 năm, sẽ hỗ trợ bạn trong việc xin học bổng du học, tuyển thẳng hay miễn thi môn Tiếng Anh vào một số trường đại học top đầu. Về lâu dài, những kĩ năng mà bạn học được còn mở rộng cơ hội việc làm cho bạn, hay thậm chí hướng tới việc định cư ở nước ngoài.
Với những mục tiêu to lớn như vậy, bạn đã sẵn sàng học Tiếng Anh chưa?